Vì Sao Người Tiêu Dùng Không “Tin” Rau Sạch?

Vì Sao Người Tiêu Dùng Không “Tin” Rau Sạch?

Vì Sao Người Tiêu Dùng Không “Tin” Rau Sạch?

Vì Sao Người Tiêu Dùng Không “Tin” Rau Sạch?

Vì Sao Người Tiêu Dùng Không “Tin” Rau Sạch?
Trang chủ / Tin tức

Vì sao người tiêu dùng không "tin" rau sạch?

Sau hơn 6 năm triển khai Vietgap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tới nay mới chỉ có hơn 2.000 héc ta trên tổng số 830.000 héc ta rau sản xuất hàng năm đạt chứng nhận rau sạch Vietgap. Đâu là lý do khiến sản xuất rau sạch không phát triển?

Đây là câu hỏi được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Sản xuất rau an toàn diễn ra ngày 9-12 tại Hà Nội.

Chưa tạo được lòng tin với người tiêu dùng

Vietgap là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và ban hành từ đầu năm 2008. Đến nay đã được hơn 6 năm, nhưng cả nước mới chỉ có khoảng 2000 héc ta rau sạch trên tổng số 830.000 héc ta trồng rau.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng sạch Bác Tôm, cho rằng nhu cầu rau sạch của thị trường rất lớn, song dù xuất hiện đã lâu nhưng tới nay Bác Tôm mới chỉ có 4 cửa hàng tại Hà Nội.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc giám sát các cơ sở, hợp tác xã sản xuất rau sạch. Để đảm bảo nguồn rau an toàn, Bác Tôm đã phải cử kỹ sư giám sát trực tiếp tại ruộng, tổ chức các tour để khách hàng tới tham quan…Vì vậy, giá rau của Bác Tôm thường cao gấp 2 lần thị trường” – ông Chiến nói.

Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Sàn giao dịch Rau quả và Thực phẩm an toàn Hà Nội, lại có cái nhìn khác. Theo ông, ngành sản xuất rau sạch không lớn được là do đại bộ phận các cơ sở sản xuất rau đều nhỏ lẻ, năng lực quản trị sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường rất thấp, nguồn lực hạn hẹp nên rất yếu thế trên thị trường, khó kết nối vào chuỗi giá trị lớn. Trong khi đó, chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam còn tồn tại quá nhiều khâu trung gian, cả ở đầu vào và đầu ra, các cơ sở sản xuất phải mua vật tư đầu vào giá cao và bán sản phẩm đầu ra giá thấp và giá bán cuối cùng tới tay người tiêu dùng thì không cạnh tranh được.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thành Lưu, việc giao dịch giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị nông sản hiện nay “cực kỳ” kém minh bạch nên gần như không thể truy xuất nguồn gốc, đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc người tiêu dùng không thể phân biệt được thật giả và quay lưng với các sản phẩm nông sản sạch.

Không chỉ giám sát nông dân

Ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nói rằng người tiêu dùng không đặt niềm tin vào rau sạch một phần cũng do doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ yếu làm thương mại và ít đầu tư sản xuất rau sạch. Có lúc không đủ nguồn hàng thì mua rau ở ngoài bù vào để tối đa hoá lợi nhuận.

Nếu doanh nghiệp đầu tư giống vật tư nông nghiệp cho nông dân, tham gia sản xuất theo quy trình khép kín và lo đầu ra cho sản phẩm thì chắc chắn thị trường rau sạch đã không èo uột như hiện nay.

Đồng thời, các cơ quan quản lý không chỉ giám sát quy trình sản xuất của nông dân mà còn cần giám sát cung đường vận chuyển. Nhiều doanh nghiệp mua 1 tấn rau sạch, trên đường vận chuyển nhồi thêm 3-4 tấn rau khác vào.

Bên cạnh đó, phải giám sát cả khâu sơ chế, chế biến để tránh tình trạng thiếu sản phẩm đi mua chỗ khác cho vào.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho hay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cục Trồng trọt đã thực hiện thí điểm mô hình sản xuất rau sạch cơ bản (Basic GAP). Quy trình sản xuất rau sạch theo Basic GAP đơn giản hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn VietGap mà Bộ đưa ra, vì chỉ có 26 so với 65 tiêu chí của VietGap nhưng chất lượng rau vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn. Chính vì vậy, Basic GAP có khả năng ứng dụng cao hơn.

Đồng thời, dự án này của JICA cũng đang thí điểm việc giám sát nội bộ. Tức là hình thành tổ hợp tác trong nhóm nông dân. Họ có cùng ý nguyện, cùng ý tưởng, cùng sản xuất và giám sát lẫn nhau. Khi đó, tổ, hợp tác xã đó sẽ tạo ra được tiếng vang, và nhãn hiệu sản phẩm nông sản đó sẽ được người tiêu dùng nhận diện.

Theo TBKTSG